Xin cho con thêm yêu mến Bí tích Hòa Giải (Phần 2)


“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9, 12-13)

Quả thế, Người đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải. Vậy, liệu chúng ta có dám tự tin khẳng định rằng: Tôi hoàn toàn trong sạch, không vướng chút tội nhơ? Hay tôi chưa từng một lần phạm tội hoặc tôi đây chẳng hề mắc lỗi với ai bao giờ?

Có lẽ, là con người, chẳng một ai lại chưa từng phạm tội, và trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân.

“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.” (1Ga 1, 8-9). Tôi thiết nghĩ, những lời được Thánh Thần linh hứng ấy mà thánh Gioan đã viết có sức tác động mạnh mẽ khiến tôi và bạn phải tự vấn lại lương tâm chính mình.

Như chúng ta đã cùng tìm hiểu tại phần 1, rằng: chính khi phạm tội, con người tự chống lại chính mình và tự làm tổn thương đến phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa trao tặng, hay nói một cách khác, là khi phạm tội, con người làm biến dạng hình ảnh tự thuở được tạo thành – con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27a).

Bên cạnh “... gây nên sự chết” (Rm 5, 12a), một cách minh nhiên, tội lỗi còn gây nên vô vàn yếu nhược, khổ đau và bệnh tật cho cả thể xác lẫn tâm hồn con người. Tội lỗi gây ra biết bao vết thương và có khi, con người ta phải mang lấy những vết thương kia và không ngừng dằn vặt cho đến cuối đời – đó là những vết thương mãi chẳng thể được chữa lành cách tận căn nếu không được băng bó, xoa dịu hay được chữa lành bởi Thiên Chúa.

Từ khía cạnh vừa nêu trên, đối chiếu với những kinh nghiệm nơi thực tại, chúng ta có thể đúc kết rằng: con người không chỉ cần được tha thứ những tội lỗi mình đã mắc phạm, mà sâu xa hơn còn cần được chữa lành và được phục hồi lại những gì mình đã đánh mất khi phạm tội (chẳng hạn như sự công chính, sự trong sạch, sức mạnh,… hay được phục hồi hình ảnh thần linh hiện diện trong từng con người vì tội lỗi mà bị biến dạng).

Dẫu thực tế cho thấy, con người hoàn toàn có khả năng tự chữa lành những vết thương trên da thịt, hay một số bệnh tật nơi thể xác của chính mình và tha nhân; nhưng những vết thương, những bệnh tật thiêng liêng hay những nỗi đau tinh thần lớn lao do tội lỗi gây ra, tự sức con người thật không dễ để chữa lành trọn vẹn. Hay có thể nói, đó là sự giới hạn cách nào đó thuộc bản tính con người, một sự “bất khả thắng” hoặc “lực bất tòng tâm”. Cùng với mưu cầu được sống hạnh phúc và được ủi an giữa bao thương tổn hay khổ đau trong đời,... con người không ngừng khát khao được trợ giúp bởi một Đấng siêu việt và toàn năng với sức mạnh và năng quyền thiêng liêng và lớn lao hơn cả – với tôi, đó là Thiên Chúa.

Hay ví như một nỗi khắc khoải liên lỉ, không ngơi, trên đường lữ thứ trần gian, con người luôn cần đến sự chữa lành và hồi phục của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, là Cha toàn năng và giàu lòng thương xót.

“Lòng nhân từ còn mạnh hơn tội lỗi và sự xúc phạm...” [1], chính nơi Bí tích Hòa giải được Chúa Giêsu Kitô lập vào chiều ngày Phục sinh, khi Người hiện đến cùng các Tông đồ, “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”” (Ga 20, 22-23) đã trở nên bảo chứng cho lòng nhân từ vô biên đó của Thiên Chúa.

“Không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa Giải” – Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Nơi tòa Giải tội – tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa được tỏ lộ cách thiêng liêng và cụ thể, rằng chính Đức Kitô – Người là thầy thuốc cúi mình xuống trên từng bệnh nhân đang cần Người chữa lành (GLHTCG, số 1484). Ấy thế mà, chúng ta – những người Kitô hữu thỉnh thoảng lại trót quên hoặc trì hoãn việc đến lãnh nhận phương dược chữa lành thiêng liêng ấy phát xuất tự nơi “công trình cứu chuộc của Đức Kitô đã được đặt tên ngay từ thời Hội Thánh sơ khai là “medicina salutis” (y dược cứu rỗi). “Ta muốn chữa lành chứ không kết tội”, đó là lời mà Thánh Augustinô đã nói về việc thực hành mục vụ Bí tích Sám Hối.” [2]

“Chúa Giê-su Ki-tô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác chúng ta. Người đã từng tha tội và phục hồi sức khoẻ thể xác cho người bại liệt (x. Mc 2,1-12). Người muốn Hội Thánh, nhờ quyền năng Thánh Thần, tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ. Các chi thể của Hội Thánh rất cần điều này. Đó là mục đích của hai bí tích chữa lành: bí tích Thống Hối và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.” (GLHTCG, số 1421)

Rằng với niềm xác tín và lòng mến chân thành, Giáo Hội không ngừng huấn dạy và nhắc nhớ con cái mình khi đến với Bí tích Hòa giải, hãy xét mình cách kĩ càng, cũng như hết lòng: “... xưng thú đầy đủ và chính xác tội lỗi của mình. Vì kẻ thù biết rằng, một khi đã xưng tội và phơi bày những vết thương cho thầy thuốc, chúng ta sẽ được chữa lành triệt để, nó sẽ chống lại điều này một cách gắt gao” – Thánh Gioan Kim Khẩu.

Thế nên, xin hãy cố gắng lưu tâm: chớ giấu bất kể tội lỗi nào, vì chính khi giấu tội là ta đã chưa sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ và sự chữa lành của Thiên Chúa thông qua vị tư tế. Chúng ta thử nghĩ xem, như bệnh nhân vì ngại ngùng hay xấu hổ mà che giấu bệnh tật hoặc vết thương của họ với thầy thuốc,... vậy, làm sao thầy thuốc có thể chữa lành cho họ đây?

Kết lại, người Kitô hữu được học biết và tin nhận con người được tái sinh bằng một sự sống mới qua Bí tích Thánh Tẩy, và nơi Bí tích Hòa giải, chúng ta lại “một lần nữa rũ bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, cùng với Chúa Kitô trở thành Ađam-mới.” [3] – Người đã gánh lấy hết thảy tội lỗi trần gian và đã dùng giá máu mình mà chuộc tội cho con người được trở về, được phục hồi lại phẩm giá làm con Thiên Chúa.

“Thiên Chúa là Cha, không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn trở lại và được sống. Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Chúa đến thế gian, để nhờ Người mà thế gian được cứu độ.” [4] Nơi Bí tích Hòa giải, con người được kéo ra khỏi vương quốc tối tăm, và “.... ai ai cũng có cơ hội để hưởng nhận lòng thương xót Chúa. Con hãy xác tín điều đó. Đừng nghi ngờ, đừng do dự cũng đừng bao giờ thất vọng về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Con hãy hy vọng và tin vào Bí tích này” – Thánh Isidôrê Sêville. [5]

Tài liệu tham khảo:
[1] trích Tông Huấn Reconciliatio Et Paenitentia (Hòa Giải Và Sám Hối) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 02-12-1984), website Trung Tâm Học Vấn Đaminh, catechesis.net, đăng tải ngày 23/09/2018, truy cập ngày 26/09/2022.
[2] trích Tông Huấn Reconciliatio Et Paenitentia (Hòa Giải Và Sám Hối) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 02-12-1984), website Trung Tâm Học Vấn Đaminh, catechesis.net, đăng tải ngày 23/09/2018, truy cập ngày 26/09/2022.
[3] trích Bí tích Giao Hòa, ĐGM. Phaolô Bùi Văn Đọc, Phần V. Suy tư Thần học và Mục vụ, website Giáo phận Đà Lạt, giaophandalat.com, đăng tải ngày 19/12/2022, truy cập ngày 19/12/2023.
[4] trích Nghi thức Giải tội Tập thể, theo mẫu sách Ordo Paenitentiae, bản dịch của Ủy ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN.
[5] John LaBriola, Cuộc chiến thiêng liêng theo Thánh Kinh, trong Hội Thánh & nơi các thánh, Lm. Minh Anh chuyển ngữ, tại http://memaria.net/eBookCuocChienThiengLieng_LMMinhAnh.html

Maria Ngọc Tỷ.
Quý độc giả có thể xem lại phần 1 tại đây ạ: https://motdoitinyeu.blogspot.com/2023/11/xin-cho-con-them-yeu-men-bi-tich-hoa.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến