Xin cho con thêm yêu mến Bí tích Hòa Giải (Phần 1)


“Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở,
nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương.” (Gr 31, 3)

Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu của Ngài luôn trường cửu, hằng bất biến. Dẫu “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với con vẫn không thay đổi.” (Is 54, 10)

Có lẽ, bạn sẽ khá ngạc nhiên và tự hỏi vì sao tôi lại bắt đầu bằng những lời ấy, thay vì chia sẻ ngay rằng Bí tích Hòa Giải là gì theo những gì mà tôi được học biết bởi huấn quyền của Giáo Hội.

Xin thưa vì sự giới hạn nơi hiểu biết của mình và cũng vì sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã huấn dạy khá chi tiết và đầy đủ nên bài suy tư này, tôi xin phép không trình bày lại.

Tôi nghĩ, để có thể hiểu và cảm được Bí tích Hòa Giải, chúng ta cần hiểu và cảm về tình yêu trường cửu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, cách riêng là cho mỗi người chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng cần hiểu về những hệ quả hay cớ sự mà tội lỗi gây ra cho con người?

Khi được hỏi về tội lỗi, có lẽ chúng ta sẽ nhanh chóng trả lời rằng, tội lỗi là những hành vi hay hành động xấu, trái nghịch với lề luật của Thiên Chúa. Song, chúng ta lại ít khi suy tư một cách sâu xa hơn, rằng: tội lỗi là sự xúc phạm đến Thiên Chúa và đánh mất sự hiệp thông trong Hội Thánh với nhau, đồng thời còn gây tổn thương đến phẩm giá con người, tức phẩm giá của chính mỗi người chúng ta.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thường hay băn khoăn và lo nghĩ nhiều về tội trọng, tội nhẹ hay tội nào dễ được tha hơn,... Cũng như nếu không đi xưng tội, chúng ta không xứng đáng được Rước Lễ.

Vì thế, cách nào đó khác hơn, tôi mong ước chúng ta hãy cùng suy tư về tình phụ tử, tình cha con, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa mỗi khi chúng ta phạm tội.

Chúng ta hãy lo lắng nhiều hơn, liệu rằng khi ta phạm tội, Thiên Chúa là Cha sẽ đau buồn và phiền lòng đến dường nào? Bởi chúng ta là con cái của Ngài, được Ngài tạo dựng theo hình ảnh của Ngài (St 1, 27a) và chính khi con người phạm tội, tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại (SGLHTCG, số 1849). Bạn thấy đó, những hệ quả của tội khiến con người trở nên lầm lạc, mù quáng, đau khổ và có khi là đánh mất đi niềm vui và niềm hy vọng sống. Hay trong lời rao giảng của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma rằng: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết...” (Rm 5, 12a).

Tôi xin bạn hãy đặt câu hỏi cho chính mình: có người cha, người mẹ nào lại muốn con mình phải đau khổ và phải chết không? Có người cha, người mẹ nào lại không xót xa khi tâm hồn, hình hài và phẩm giá của con cái mình bị tổn thương, bị xâm phạm không? Hay người thân của bạn bị tổn thương, lòng bạn có quặn đau chăng?

Vậy, Thiên Chúa là ai trong đời bạn? Hay bạn được nhận biết rằng Ngài là ai? “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình...” - lời Kinh Tin Kính bạn vẫn tuyên xưng cùng Hội Thánh trong mỗi Thánh lễ và sẽ đi cùng bạn đến suốt đời. Thiên Chúa là Cha của bạn, Thiên Chúa là Cha của mỗi người chúng ta. Tôi tin, từ đây, bạn có thể hiểu được phần nào rằng, Thiên Chúa sẽ đau buồn vô cùng khi con cái mình phạm tội, những đứa con của Cha đã và đang tự làm hại chính mình và tấn công, tàn sát lẫn nhau.

Chúng ta được tạo dựng có ý định rõ rệt, chứ không phải một sự tình cờ ngẫu nhiên. Thiên Chúa gọi chúng ta bằng tên của từng người và hơn thế nữa, Ngài gọi bạn bằng tên riêng, “tên ghi khắc trên hòn sỏi trắng” (Kh 2,17); không chỉ trong ý nghĩ, Ngài đã tạo dựng nên bạn cách sống động, Ngài cũng đã ghi khắc tên bạn như một chiếc ấn vĩnh cửu trong cánh tay và trong trái tim Ngài (Dc 8, 6a). Chúng ta hiện hữu là bởi tình yêu và chúng ta sống cũng là để đáp đền tình yêu ấy.

Chúng ta hãy một lần nghĩ lại xem, phải chăng, mỗi khi chúng ta phạm tội là chúng ta đang khước từ tình yêu của Thiên Chúa là Cha? Mỗi khi chúng ta không vâng phục theo điều Ngài dạy là chúng ta đang chối bỏ mối tương quan của chúng ta với Cha mình? Mà có người cha đích thực nào lại dạy bảo con cái mình những điều xấu xa làm thương tổn đến nó chăng; trái lại, những gì người cha dạy con, những gì mà ông không ngừng răn bảo con mình là để con ông được bảo vệ, được bình an, được sống đích thực? Tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa là thế, một Thiên Chúa không ngừng đau đáu, lắng lo cho những con người mà Ngài tạo dựng.

“thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8, 5). Có lẽ, bạn sẽ cho rằng tôi thật tự tin khi dám nói rằng: con người là hạnh phúc và niềm vui của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Ngài yêu con người say mê và mãnh liệt đến nỗi trao ban món quà duy nhất, cao quý vô tận và là tất cả của Ngài cho con người - chính Chúa Giêsu Kitô, chính Người là của lễ đền bù tội lỗi cả thế gian (1 Ga 2, 1-2).

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

Tội chống lại tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta và đưa trái tim chúng ta lìa xa khỏi tình yêu đó. (SGLHTCG, số 1850). Nhưng giờ đây, Con Một Thiên Chúa đã hàn gắn và lấp đầy sự lìa xa, tách rời ấy. “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13) và “Họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 7-8).

Hiển nhiên, tội lỗi gây ra vô vàn cớ sự nhưng chúng ta cần nhớ rằng, tội lỗi của chúng ta không làm tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thay đổi. Và xin hãy luôn nhớ rằng, chỉ con người dùng tự do của mình mà chối bỏ mối tương quan của con người với Thiên Chúa; còn Thiên Chúa lại chưa một lần chối bỏ mối tương quan mật thiết ấy, rằng, Ngài chẳng bao giờ khước từ con cái của Ngài.

Dân gian có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, Thiên Chúa là cha, Ngài còn hơn thế nữa. Nếu chúng ta biết thống hối và trở về xưng thú tội lỗi cùng cha, quả nhiên cha sẽ vui mừng biết mấy. “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 24).

Thiên Chúa quan phòng, Ngài luôn hằng dõi theo từng người con mà Ngài tạo dựng. Chỉ chúng ta nhìn thấy Ngài nhưng ngoảnh mặt đi hay quay lưng lại với Ngài. Và chính mỗi khi chúng ta phạm tội, là chúng ta quay mặt đi với Thiên Chúa, quay mặt đi với ánh nhìn yêu thương của Cha mình.

Khước từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa ví như con người đã khước từ nguồn nước trao ban sự sống dồi dào. Bạn biết đấy, bản chất con người thì luôn đói khát, bạn nghĩ sao khi bạn khát nhưng vẫn chối từ việc uống nước? Hay như khi bạn cần ánh sáng chiếu soi, mở đường nhưng bạn lại không chịu mở rèm ra để mặt trời chiếu rọi hoặc bạn không chịu mở đèn lên?

Khi phạm tội, con người tự chống lại chính mình và tự làm tổn thương đến phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa trao tặng. Chính tội lỗi gây nên những thương tổn và dần cắt đứt mối tương quan của con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nhưng tội lỗi không khiến Thiên Chúa ngừng yêu thương hay khước từ con cái Ngài - chính từng người chúng ta. Thiên Chúa hằng ước mong con người được sống hạnh phúc và sống dồi dào, bởi Ngài là tình yêu và Ngài muốn cứu hết thảy nhân loại.

Xin cùng dâng lời tạ ơn vì Cha không muốn một ai phải hư mất và Cha luôn bận rộn tìm đủ mọi cách thế để cứu con người khỏi sa ngã và lún sâu vào tội lỗi, khổ đau đời đời.

Maria Ngọc Tỷ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến