Tôi đã làm (những) gì để đầu tư cho sự sống mai sau ?
“Có vẻ đời sau thì xa xôi, không có sức thu hút, không làm chúng ta say mê và dám đánh đổi tất cả. Chúng ta thừa sôi nổi để xây dựng tương lai đời này, nhưng lại thiếu táo bạo để xây đắp tương lai đời sau. Chúng ta biết xoay sở để việc làm ăn khỏi thua lỗ, nhưng chúng ta lại thiếu cương nghị và dứt khoát để đầu tư mọi sự mình có cho Nước Trời.” - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Này tôi là Kitô hữu, đã bao giờ tôi tự vấn chính mình: tôi đã làm (những) gì để đầu tư cho sự sống mai sau ?
Phải chăng, bấy lâu nay tôi vẫn cứ mải mê kiếm tìm bao bổng lộc, vinh hoa phú quý vốn mau đổi chóng qua ? Phải chăng dù biết mọi sự nơi nhân trần vốn có thời có hạn, thế mà lắm lúc tôi lại mất ăn, mất ngủ và ngay cả là bất chấp mọi phương kế để đoạt lấy cho riêng mình ?
Than ôi những thứ thuộc về thế gian lại hấp dẫn tôi đến thế; nó quyến rũ và tinh vi quá đỗi, nó không ngừng gia tăng lòng muốn và thêm sức cho sự kiêu ngạo của chính tôi. Tôi cho mình có quyền làm chủ tuyệt đối vận mệnh đời mình bằng sự khôn ngoan và tự do lựa chọn của chính tôi, đến độ liều lĩnh đánh đổi tất cả và ngay cả “sự sống linh hồn” !
Khốn thân tôi khi “… được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống (mất linh hồn) thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình đây?” (Mt 16, 26; Mc 8, 36; Lc 9, 25).
Hỡi tôi, tôi đã làm chi đời tôi vậy? Sự sống đời sau chẳng cao trọng hay sao? Cái tạm bợ trước mắt liệu có đáng chăng để tôi đánh đổi sự rỗi xác hồn đời đời ?
Mọi sự sẽ qua đi, và chẳng ai biết được ngày giờ mình phải xa rời dương thế. Tôi thiết tưởng, nếu chẳng may chỉ chốc lát nữa thôi tôi phải kết thúc sự sống đời này, liệu tôi sẽ ra sao khi chưa kịp ăn năn sám hối, chưa ra sức làm nhiều việc lành phúc đức, chưa chuẩn bị gì cho sự chết lành của chính tôi?
Rằng, “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời... Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người. Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực.” (Công đồng Vaticanô II, Gaudium Et Spes số 18)
Này tôi là Kitô hữu, tôi đang sống bám víu vào điều gì đây ? Này tôi là Kitô hữu, liệu tôi có đang tận dụng thời giờ Thiên Chúa thương ban cách xứng hợp với tình yêu vô biên, sự tín trung và công chính của Ngài ?
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16)
Với ơn Chúa, tôi những khát mong mình chớ quên Lời ấy. Vâng “lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì lượng từ bi, Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã sai Ðấng Cứu Chuộc đến với chúng con. Người vô tội mà Chúa muốn Người sống như chúng con, để Chúa yêu thương nơi chúng con/ điều Chúa quý mến nơi Con Chúa. Nhờ sự vâng phục của Người, chúng con được phục hồi để lãnh nhận những ơn Chúa mà chúng con đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng.” (Sách Lễ Roma, Lời Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên VII).
Maria Ngọc Tỷ.
Hình ảnh: hoạ phẩm “The Trinity with Souls in Purgatory” bởi hoạ sĩ Corrado Giaquinto (1703–1766), khoảng những năm đầu thập niên 1740.
Nhận xét
Đăng nhận xét