Những Suy Tư Trên Phương Diện Truyền Thông Kitô Giáo


Truyền thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng ta biết tôn trọng lẫn nhau. Việc chia sẻ của chúng ta không phải là sự ban ân cho những người thiếu thốn, nhưng chúng ta cảm nhận cái quý giá của đời sống liên kết với Thiên Chúa và đời sống ấy đã cho chúng ta điều gì, chúng ta cho người khác điều đó. Chỉ có khi nào chúng ta cảm nghiệm được trong tận thâm sâu của tâm hồn sức sống, sức mạnh và sự bình an mà Thiên Chúa ban, chỉ khi đó chính cảm nghiệm này thúc đẩy chúng ta: Hãy chia sẻ nó! Khi tâm hồn chúng ta tràn đầy niềm vui, được lấp đầy bởi sức sống dồi dào, chúng ta tự động chia sẻ cảm nghiệm này cho người khác.

Chúng ta cũng học biết đón nhận những gì người khác trao cho chúng ta, những gì có trong họ, trong đời sống của họ, những gì đang đánh động họ, đang khuấy động tâm tư của họ. Dù kinh nghiệm của họ khác, nhưng họ chỉ có thể chia sẻ với chúng ta điều họ có. Thái độ lắng nghe cũng là một cách truyền thông. Ngày nay, trong các nghiên cứu khách hàng của các công ty truyền thông, người ta thường chú trọng đến việc hướng về người nghe (audience-oriented), trong lãnh vực tâm lý hay tư vấn người ta sử dụng những ý tưởng như hướng về người bệnh (client-oriented) hay hướng về cá nhân/nhân vị của người bệnh (person-centered). Hy vọng người truyền thông Kitô giáo thực sự biết mình nên chia sẻ điều gì, đồng thời nên biết đối tượng mà mình chia sẻ là ai. Họ không phải là đối tượng chỉ thụ động tiếp nhận những thông tin, hay kiến thức của chúng ta, nhưng họ có quyền chia sẻ cảm nhận và kinh nghiệm của họ. Với cách chia sẻ của chúng ta và với những gì chúng ta chia sẻ, người khác cảm nhận được họ có giá trị gì trong mắt của chúng ta (nhân phẩm con người).

Từ việc tôn trọng đối tượng mình muốn chia sẻ truyền đạt, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp xúc và gần gũi với những người đó. Từ việc gần gũi tiếp xúc trao đổi, chúng ta sẽ mau chóng học biết được phương tiện nào, và cách thức nào là tốt nhất để truyền đạt chia sẻ cách hiệu quả nhất với những người này. Truyền thông trong Cựu Ước cho chúng ta thấy chúng ta phải biết những phương cách mà con người trong xã hội đang sử dụng để truyền đạt, bối cảnh văn hóa mà họ đang sống, những kiểu mẫu truyền thông họ hay sử dụng nhất trong các quan hệ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết và hiểu những đối tượng mà chúng ta muốn chia sẻ (loại người, tuổi tác, trình độ giáo dục, ngôn ngữ thích hợp). Thêm vào đó, các ngôn sứ dạy chúng ta biết ý thức những gì đang xảy ra trong xã hội chúng ta, những gì đang làm xã hội thay đổi (tích cực hay tiêu cực), sau đó chúng ta biết suy tư và tìm hiểu về những biến đổi này dưới ánh sáng của Lời Chúa, và rồi chia sẻ những giá trị xây dựng cá nhân và cộng đồng con người với mục đích phát triển con người và xã hội. Truyền thông Công Giáo có tính ngôn sứ nằm ở chỗ: (1) chúng ta học để biết đọc những sự kiện xã hội, (2) chúng ta biết phân tích chúng dưới ánh sáng của Lời Chúa, (3) chúng ta đưa ra những thông điệp hỗ trợ hay đưa ra những nhận định giúp người khác nhìn lại, kiểm định lại đời sống của mình.

Truyền Thông trong tinh thần Đức Kitô thể hiện tất cả những điều trên. Hơn nữa nó phải thấm nhuần hoàn toàn tâm hồn của con người truyền thông.

Bắt đầu bằng sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Đây chính là nền tảng Truyền Thông của Chúa Giê-su.

Luôn dựa trên nền tảng Kinh Thánh mà Chúa đã được học trong môi trường của Ngài.

Luôn từ thực tế đời sống và kinh nghiệm sống của con người, nhưng Chúa hướng dẫn con người nhìn ra những thực tại thiêng liêng có trong đó (Thực tại Nước Trời). Điều quan trọng là qua Truyền Thông của Đức Kitô, con người nhận ra giá trị của mình, trách nhiệm của cá nhân đối với người khác và xã hội, và nhất là cảm nghiệm được con người được Thiên Chúa yêu thương.

Thao thức với những biến động xã hội, vì thế mà Chúa cũng đưa ra những sự kiện đã xảy ra trong xã hội, để truyền tải Tin Mừng cho con người.

Đánh động tâm hồn con người hay có khi đối chất hay thách đố đối tượng Chúa giao tiếp bằng những câu hỏi, những ví dụ ai cũng hiểu để họ biết nhìn lại mình. Vì thế, có khi Chúa nói lời an ủi, có khi Chúa dùng lời lẽ sắc bén, có khi Chúa dùng những ví dụ giải thích, phản biện, phê phán.

Trong Truyền Thông của Đức Kitô, con người truyền thông đồng nhất với sứ điệp truyền thông. Chúa chia sẻ thông điệp của Thiên Chúa qua lời giảng, qua hành động, qua cuộc sống của mình.

- trích mục 5, bài viết Truyền thông Kitô giáo trong việc quảng bá và thực hành Học thuyết Xã hội Công giáo, Lm. Phêrô Tạ Anh Vũ, đăng tải trên website Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến