Lợi ích của “tự do ngôn luận” trong Giáo Hội


“7. Giữa những ân huệ khác nhau, thánh Phaolô cho rằng ơn nói tiên tri quý trọng hơn, ngài khuyên nhủ: “hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri” (x. 1Cr 14,1). Trong lịch sử Giáo Hội, cụ thể là nơi các thánh nhân, Chúa Thánh Thần linh hứng các ngài nói tiên tri nhằm thúc đẩy sự phát triển hoặc canh tân đời sống cộng đoàn Kitô giáo. Đôi khi những lời này đặc biệt gửi đến những vị có quyền hành trong Giáo Hội, như trường hợp của thánh Catharina Siêna, thánh nhân đã can thiệp để Giáo hoàng từ Avignon trở về Rôma. Nhiều tín hữu, đặc biệt là các thánh đã đem lại ánh sáng cũng như sức mạnh cần thiết cho nhiều Giáo hoàng và các mục tử của Giáo Hội để các ngài hoàn thành sứ vụ của mình, đặc biệt là vào những thời điểm Giáo Hội gặp khó khăn.

8. Thực tế này cho thấy khả năng và sự hữu ích của tự do ngôn luận trong Giáo Hội: tự do cũng có thể xuất hiện dưới hình thức phê bình mang tính xây dựng. Điều quan trọng là những gì nói ra thực sự thể hiện sự linh hứng tiên tri của Thánh Linh. Như thánh Phaolô nói: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.” (2Cr 3,17). Chúa Thánh Thần thúc đẩy tín hữu hành động với sự chân thành, tin tưởng lẫn nhau và giúp họ có khả năng “khuyên bảo nhau” (Rm 15,14; x.Cl 1,16).

Phê bình là điều hữu ích trong đời sống cộng đoàn bởi đây là nơi luôn cần sự canh tân và sửa chữa những khuyết điểm. Trong nhiều trường hợp, phê bình giúp cộng đoàn tiến bộ hơn. Nhưng nếu xuất phát từ Chúa Thánh Thần, những lời phê bình phải hướng đến thăng tiến trong bác ái và sự thật. Những lời ấy không thể mang vị đắng hay lăng mạ thể hiện qua hành vi hay phán xét xúc phạm danh dự cá nhân hoặc cộng đoàn. Phê bình phải được nói ra với thái độ tôn trọng, với tình huynh đệ, con thảo, song song đó cần tránh mọi hình thức công khai không phù hợp bằng cách luôn tuân thủ các chỉ dẫn của Đức Chúa về việc sửa lỗi anh em (x. Mt 18,15-16)

9. Nếu đây là mô tả sơ lược về tự do ngôn luận, chúng ta có thể nói, không có sự đối lập giữa các đặc sủng và định chế, bởi vì chỉ duy nhất một Thần Khí hoạt động trong Hội Thánh với nhiều đặc sủng khác nhau. Các ân huệ thiêng liêng cũng trợ giúp trong việc thi hành các sứ vụ. Chính Thánh Linh thông ban những ân huệ ấy nhằm mở mang, thăng tiến Nước Chúa. Theo nghĩa này, chúng ta cũng khẳng định, Hội Thánh là một cộng đoàn của các đặc sủng.”

- trích Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh, “Bài 36. Vai trò của những đặc sủng trong đời sống Hội Thánh”, Lợi ích của tự do ngôn luận trong Giáo Hội, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Trung tâm Học vấn Đa Minh, catechesis.net, đăng tải ngày 17/12/2019, truy cập ngày 02/11/2023. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến