Người trẻ Công giáo có thể hiểu thế nào về quan niệm “khẩu nghiệp” cách phù hợp?


Thực tế cho thấy, “khẩu nghiệp” là cụm từ được sử dụng khá phổ biến với đại chúng Việt Nam, cách riêng là với người trẻ; tuy nhiên, để có thể hiểu và sử dụng quan niệm “khẩu nghiệp” cách phù hợp và đúng mực nơi các mối tương quan trong đời sống của người tín hữu Công giáo lại là phạm trù cần nhiều sự phân định. Cách riêng, với những người trẻ Công giáo, có lẽ cũng không ít lần các bạn từng thắc mắc: quan niệm “khẩu nghiệp” liệu có đúng với Giáo lý hay đức tin Công giáo hay không?

Cùng là một người trẻ Công giáo như các bạn, với mong ước có thể góp phần mở ra những gợi ý nhỏ nhoi cách thận trọng hầu phục vụ cho việc giải đáp thắc mắc này, hôm nay, mình xin được chia sẻ về những hiểu biết và góc nhìn trong khả năng giới hạn của bản thân về quan niệm “khẩu nghiệp” khi đối chiếu với đức tin Công giáo mà mình được huấn dạy.

Đầu tiên, chúng ta cần mở lòng ra để có thể hiểu về quan niệm “khẩu nghiệp” một cách khách quan. Rằng, theo chú thích nơi Kinh Ma Ha Ma thuộc hệ thống kinh Niết Bàn đã luận rằng: “nghiệp” (hay “karma” sẽ quen thuộc hơn với học giả phương Tây) có nghĩa là hành động hay việc thực hiện; mà tất cả mọi hành động do chúng ta tạo ra được gọi là nghiệp nhân, và kết quả do những hành động ấy đem lại được gọi là nghiệp quả, nghiệp báo, hay quả báo. Hành động được chia làm ba loại hay còn gọi là tam nghiệp, bao gồm:

_ Hành động của thân thể (thân nghiệp), gồm những động tác đi, đứng, nằm, ngồi và tất cả những động tác khác của tay, chân và thân thể (kể cả ăn uống, đụng chạm v.v...).
_ Hành động của miệng lưỡi (khẩu nghiệp), gồm mọi lời nói và âm thanh do miệng lưỡi phát ra.
_ Hành động của tâm ý (ý nghiệp), gồm mọi tư tưởng phát sinh từ tâm ý.

Tính chất của cả ba loại hành động này có khi là thiện (giúp ích), có khi là ác (phá hoại), và cũng có khi là vô kí (trung tính, không thiện cũng không ác). [1]

Theo đó, người tín hữu Phật giáo được mời gọi đến với Tứ Diệu đế, cụ thể nơi con đường dẫn đến sự chấm dứt hay giải thoát mình khỏi đau khổ (dukkha-nirodha-gamini-patipada), tức thực hành con đường Bát Chánh đạo (ariya-atthangika-magga). [2] Và trong Bát Chánh đạo có “Chánh ngữ” (samma-vica hay right speech), tức “nói năng chân chánh, nói năng đúng với sự thật. Rằng, “nhiều khi chúng ta không nói dối nhưng vẫn sai với sự thật. Chúng ta thấy biết như thế nào thì nói như vậy. Nhưng vì cái thấy biết đã sai lạc, lầm lẫn nên dẫn đến chúng ta nói không đúng sư thật. Lời nói chân chính là lời nói không dối trá, không độc ác, không đâm thọc, không thêu dệt và siểm nịnh, là lời nói không xuất phát từ lòng tham dục, ích kỷ, hận thù, giận dữ, ngu dốt, ganh tỵ. Nói năng chân chính là không nói lời nhằm lừa gạt, nịnh hót, phỉ báng, chửi mắng, vu oan, mà luôn nói những lời từ ái, hòa nhã, dịu dàng, đem an vui, lợi ích, tin tưởng cho người.” [3].

Đồng thời, người tín hữu cũng cần hiểu rằng, “Trong Phật giáo, Bát chánh đạo không phải là những qui tắc đạo đức, độc đoán hay các mệnh lệnh từ trên ban xuống; nó có nghĩa như là một sự hướng dẫn, để cân nhắc, để chiêm nghiệm, và được ứng dụng chỉ khi mỗi bước đuợc thể hiện hoàn toàn như là một phần của cuộc sống mà chúng ta đang tìm kiếm... Bát Chánh đạo hướng dẫn con người tự thức tỉnh, giải thoát khỏi đau khổ (dukkha) từ ba nghiệp bất thiện và loạn động. Đức Phật dạy phương pháp này cho các đệ tử của ngài, và họ cũng có thể truyền đạt cho mọi người với mục đích giác ngộ và cứu độ bản thân và người khác.” [4].

Từ các diễn giải vừa nêu, ta có thể nhìn nhận Bát Chánh đạo hay cách riêng là chánh ngữ như một phương thế giúp tín hữu sám hối, góp phần hỗ trợ “chữa trị về tâm lý, tu tập về tâm linh và tuyệt nhiên không mang bóng dáng thần quyền như chúng ta có thể lầm tưởng.” [5]

Lý thuyết là thế, song nơi thực tại, bởi nhiều nguyên do khác nhau, mà cách vận dụng cụm từ “khẩu nghiệp” có phần chưa phù hợp và đúng mực, cụ thể là cách kết luận vội vàng hay dễ dàng chụp mũ lên một ai đó và cho rằng họ “đang khẩu nghiệp” hoặc “nói như vậy coi chừng bị nghiệp quật” hay tệ hơn nữa là “nó đáng bị nghiệp quật”, “do nó khẩu nghiệp nên nó mới bị nghiệp quật như vậy”...

Và trong cả những phê bình khoa học – xã hội hay các tranh luận có tính đối kháng cũng khó tránh khỏi một nhóm người dùng cụm từ “khẩu nghiệp” hòng “đe dọa những người mà họ cho là có phát ngôn không phù hợp với niềm tin của họ.” [6]. Và như thầy Thích Hạnh Hoằng đã chia sẻ trên một bài viết được đăng tải tại Báo Giác Ngộ vào ngày 13 tháng 9 năm 2022 rằng: “Khi có một điều không may mắn, bất như ý xảy đến thì đa phần chúng ta đều nghĩ và thậm chí đổ lỗi là do nghiệp. Nói về nghiệp, mọi người đều cho đó là chủ trương của đạo Phật…” [7].

Theo mình, có lẽ cách tiếp cận và vận dụng cụm từ “khẩu nghiệp” và “nghiệp quật” trong phần đông đại chúng Việt Nam ngày nay không còn mang nghĩa gốc nữa, đặc biệt là với người trẻ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ – kỹ thuật, cụ thể là các phương tiện truyền thông mạng xã hội, cụm từ “khẩu nghiệp” cũng theo đó mà dấy lên như một làn sóng trong các thông điệp hay bài chia sẻ trên cộng đồng mạng; rồi dần ăn sâu vào trí nhớ của người trẻ và vào trong quan điểm, cảm nghĩ cùng cách biểu đạt ý kiến của người trẻ.

Nhìn chung, cụm từ “khẩu nghiệp” và “nghiệp quật” được biết đến và nhìn nhận với ý nghĩa “nhẹ nhàng hơn”; đôi khi còn được dùng như một cách trêu đùa, hoặc nhằm tạo điểm nhấn và cường điệu hóa cho lời nói hay câu chuyện mà ai đó chia sẻ.

Không dừng lại tại đây, với các mục đích và ý hướng riêng, người đời dần biến hóa, thêm thắt vào những yếu tố thần thiêng, như một sự thần bí hóa cho “khẩu nghiệp” và “nghiệp quật” như đã đề cập đến ở trên để đe dọa người khác, làm hạn chế bàn luận hoặc “bịt miệng” các đối tượng có quan điểm không đồng tình, có suy tư hay phê bình trái chiều với niềm tin; rằng sẽ có một sự trừng phạt hay giáng họa nặng nề xảy đến với họ trong tương lai bởi các thế lực thần thiêng hay một mãnh lực huyền bí nào đó trong vũ trụ của thế giới siêu hình – người ta dễ có thể cho đó là “nghiệp quật” và gây sợ hãi khiến đối phương phải quy phục?

Thiết nghĩ, nếu lệch hướng theo cách thức ấy thì thật không hay, vì thiếu vắng sự phân định rạch ròi giữa các vấn đề và các quan điểm của một người với toàn hữu thể con người ấy. Cũng như sẽ không thỏa đáng và thiếu đức ái khi quy chụp hay kết luận vội vàng rằng một người sẽ bị giáng họa và trừng phạt nặng nề bởi các quan điểm, niềm tin hay suy tư của họ; khi chưa có sự suy xét, kiểm chứng, đối chiếu và biện luận thích hợp. Đặc biệt là với người Kitô hữu, ta được dạy cần xét mình luôn, đừng tự cao tự đại, đừng cho mình là khôn ngoan, chú tâm vào những điều tốt lành thánh thiện, biết cảm thông cho những thiếu sót của tha nhân, làm tất cả những gì có thể để sống hòa thuận với mọi người (Rm 12, 14-18).

Phải chăng, có một sự nhầm lẫn nào đó nơi cách hiểu về nghiệp, khẩu nghiệp (như đã chia sẻ) và về sự hữu ích của việc phê bình, góp ý nhằm khuyên bảo, mang tính xây dựng, cải thiện những gì thiếu sót, bổ túc cho nhau hầu giúp nhau được thăng tiến cách toàn diện?

Ngược lại, với người góp ý, phê bình hay có các quan điểm trái chiều với một người khác cũng cần hết sức tế nhị, khiêm hạ, chân thành và tôn trọng đối phương; cần nhận định và phán đoán cách khách quan, tránh sa vào sự xét đoán lệch lạc, khắc nghiệt và thiếu bao dung với tha nhân; tránh cậy quyền tự do ngôn luận gây nên những tổn thương, hiểu lầm và hoài nghi không đáng có.

Nếu góp ý cốt để ra oai, thể hiện sự hiểu biết của bản thân, hạ bệ tha nhân và rồi gây sự chia rẽ thì xin hãy nhớ đức khiêm nhường và hiền lành mà Chúa Giêsu Kitô mời gọi chúng ta học theo Người. Thiên Chúa là Thiên Chúa tạo bình an, chứ không gây hỗn loạn (1 Cr 14, 33), và “nếu có ai nghĩ mình phải cãi lý, thì đó không phải là thói quen của chúng tôi, cũng như không phải là thói quen trong các Hội Thánh của Thiên Chúa.” (1 Cr 11, 16).

Kết lại, vì đã quá dài và có khá nhiều ý để cùng nhau suy tư, bàn luận nhằm canh tân và hoàn thiện. Với người Kitô hữu trẻ, mình nghĩ chúng ta nên có bước lội ngược dòng, tránh dùng cụm từ “khẩu nghiệp” và “nghiệp quật” trong các tương quan xã hội nhằm hạn chế những ngộ nhận, xét đoán vội vàng, lệch lạc khi chưa đủ hiểu rõ về hàm nghĩa của nó. Thay vào đó, trong mối tương quan với tha nhân, ta hãy ưu tiên cho việc đối thoại và hòa giải, khiêm tốn và tôn trọng. Không đồng tình với điều trái lương tâm và sai sự thật, nhưng hãy lắng nghe và đón nhận tha nhân như cách họ là. Xin hãy can đảm lên tiếng bảo vệ chân lý nhưng hãy có đức mến/ đức ái.

Hãy nói “sự thật trong đức ái” (Ep 4, 15) bởi chính Thiên Chúa là Đấng công bình và hay thương xót.

Như một lời mời gọi và đây cũng là niềm xác tín của mình, rằng:
“Chúng ta không nên sợ phải nói sự thật, kể cả khi phải chịu phiền toái, nhưng điều nên sợ là nói sự thật mà không có con tim yêu thương.” – Đức Thánh Cha Phanxicô. [8], và cũng bởi: “Chỉ có sự thật và tình yêu thương mới xứng đáng với phẩm giá của con người.” – ĐTGM Giuse Nguyễn Năng. [9].

“Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.” (Dt 13, 8-9a).

Maria Ngọc Tỷ.

-
Tài liệu tham khảo:
[1] “Kinh Ma Ha Ma Da”, thuvienhoasen.org, đăng tải ngày 13/07/2018, truy cập ngày 27/10/2023.
[2] “The Long Discourses of the Buddha: A Translation of the Digha Nikaya (The Teachings of the Buddha)”, Maurice Walshe và Venerable Sumedho Thera, Wisdom Publications; 2nd edition (June 15, 1995).
[3] “Luận niệm Phật”, Thích Tâm An, thuvienhoasen.org, đăng tải ngày 13/09/2011, truy cập ngày 27/10/2023.
[4] “Bát Chánh Đạo là phương pháp phát triển trí tuệ và đạo đức cho xã hội”, Thích Nữ Tịnh Quang, thuvienhoasen.org, đăng tải ngày 24/03/2017, truy cập ngày 27/10/2023.
[5] “Một vài thuật ngữ Mùa Chay”, mục Quan niệm về sám hối theo Phật giáo, linh mục Stephano Huỳnh Trụ, gpbanmethuot.com, đăng tải ngày 01/03/2012, truy cập ngày 27/10/2023.
[6] “Chánh ngữ và tự do ngôn luận: Khẩu nghiệp có tính “trừng phạt”? | Triết Học Đại Chúng”, Nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Tấn Trung, kênh Hội Đồng Cừu, youtube.com, đăng tải ngày 1/4/2022, truy cập ngày 26/10/2023.
[7] “Hiểu đúng về nghiệp”, Thích Hạnh Hoằng, giacngo.vn, đăng tải ngày 13/09/2023, truy cập ngày 27/10/2023.
[8] Trích “Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57“, Đức Thánh Cha Phanxicô, 24/01/2023.
[9] Trích “Bài giảng Thánh lễ mừng Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 57, Sự thật & Trái tim“, ĐTGM Giuse Nguyễn Năng, 20/05/2023.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến