THÂN XÁC, NGÔN NGỮ VÀ TÀI SẢN – NHỮNG ĐIỀU GÓP PHẦN LÀM NÊN PHẨM GIÁ CON NGƯỜI


Giáo huấn Xã hội Công Giáo dạy rằng: công bằng và yêu thương là một trong những giá trị cần phải có trong mối tương quan giữa con người với nhau. Và công bằng ở đây được hiểu là trả lại cho một người những quyền lợi của họ, tối thiểu là những phương tiện, tài sản... cần thiết để họ có thể duy trì sự sống.

“Một xã hội công bằng chỉ trở thành hiện thực khi được xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Con người là mục tiêu tối hậu của xã hội, xã hội được tổ chức là nhắm tới con người… Cần phải “coi mọi người thân cận không trừ ai như cái tôi khác của mình…” - trích “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo”.

Từ những gợi mở này, xin được mời độc giả cùng suy tư về câu hỏi: Tôn trọng phẩm giá con người tức là tôn trọng những điều gì nơi con người hay nơi một nhân vị?

Con người có xã hội tính (cá nhân - cộng đồng), có sự hiệp thông liên vị tức hiệp thông giữa các ngôi vị với nhau. Con người không thể sống một mình mà luôn cần có nhau; tức là sống với, sống vì, sống cho. Và sự hiệp thông đầu tiên là giữa 2 ngôi vị - giữa 1 người nam (Adam) và 1 người nữ (Eva).

Con người luôn thuộc về một cộng đồng cụ thể, mà cộng đồng đầu tiên chính là gia đình. Rằng “Thiên Chúa Ba Ngôi”, ba ngôi vị chính là nguồn cội cho xã hội tính của con người.

Vậy nên, để con người có thể sống hòa hợp, bình đẳng, thăng tiến, khai phóng cách toàn diện thì luôn cần có sự tôn trọng lẫn nhau; thế nên con người cần xây dựng giao ước chung. Giao ước chung về sự tôn trọng những gì thuộc sở hữu cá vị của nhau, mà chính những lãnh vực này làm nên phẩm giá con người và phẩm giá con người thì bất khả xâm phạm.

Ta có thể tóm lược lại thành ba lãnh vực sau đây, mà nếu xâm phạm vào bất kể một trong ba lãnh vực này tức là ta đang xâm phạm đến phẩm giá của một người. Đó chính là: THÂN XÁC - NGÔN NGỮ - TÀI SẢN của một con người.

Thực tế cho thấy, các qui định, lề luật, giáo huấn… của xã hội và Giáo hội thường xoay quanh ba lãnh vực trên, để giúp con người sống tôn trọng lẫn nhau, có được sự bảo vệ và không để con người tấn công hay xâm phạm đến nhau.

1. Thân xác

“… Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1, 27) và “Con người là một chủ vị duy nhất gồm có thể xác và linh hồn” (Gaudium et spes, số 14; GLHTCG số 364).

Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, bởi từ đây mà phẩm giá con người trở nên cao quý, phẩm giá được phú ban bởi Thiên Chúa (dù cho họ có khiếm khuyết gì về mặt thân thể…). Con người là độc đáo, không một ai giống ai và con người được mở ra với siêu việt, mở ra với vô biên, dù nhỏ bé nhưng đi tìm cái rộng lớn.

Vì thế, khi xúc phạm đến thân xác của người khác tức là ta đang xúc phạm đến phẩm giá của họ. Không một ai có quyền xúc phạm hay làm tổn hại đến thân xác, thân thể người khác và đặc biệt là sự sống của một người. Bởi sự sống con người là do Thiên Chúa ban, không ai có quyền hủy hoại hay cướp nó đi với bất kì lý do nào, kể cả là hành vi tự tử hay việc tự hành hạ bản thân.

Con người được mời gọi tôn trọng thân xác của nhau và của chính mình. “Con người không được khinh miệt sự sống thân xác.” (GLHTCG, số 364); và cũng bởi “... thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần” (1 Cr 6, 19), “… anh em tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6, 20).

2. Ngôn ngữ (tự do tư tưởng)

Ngôn ngữ ở đây không chỉ đơn giản là quốc ngữ hay ngôn ngữ của từng dân tộc; mà còn là tiếng nói, tư tưởng, suy tư hay suy nghĩ và cả tính quyền bính/chính trị (người trao quyền – người nhận quyền).

Con người hoàn toàn tự do trong tiếng nói, tư tưởng, suy tư của mình; tuy nhiên, tự do ở đây không phải là thích nói điều gì thì nói, thích làm việc gì thì làm dựa vào bản thân, mà không lưu tâm đến điều gì khác. (Xin mời quý độc giả tìm hiểu thêm về tự do đích thực của con người theo Giáo lý Công giáo nhé ạ).

Con người cần tôn trọng ngôn ngữ, tiếng nói, suy tư hay suy nghĩ… của người khác. Song, đây chính là lãnh vực mà con người ta thường hay vấp phạm. Ví dụ như: cha mẹ và con cái không lắng nghe, không tôn trọng suy nghĩ, ý kiến của nhau; người này có những thái độ hay luận điệu kém lịch sự, thiếu tử tế trước lời nói, ý kiến của người kia;… Đặc biệt là trong những lúc bất bình, những cuộc tranh luận, những lần phải đưa ra các quyết định, con người ta thường rất khó kiểm soát chính mình.

Đây là hồi chuông nhắc nhở chúng ta hãy kiểm điểm lại bản thân mình; phải chăng chúng ta đã chưa thực thi trọn vẹn chức vụ vương đế phổ quát mà Thiên Chúa trao phó (mỗi người phải cai trị chính mình, luôn nhớ phẩm giá cao quý của mình mà tiêu diệt các nết xấu, luyện tập các nhân đức). Và không thể có sự thánh thiện nếu không có đức ái, và đức ái thì không áp đặt, không nuôi hận thù, và “không đi tìm tư lợi” (1 Cr 13, 5). Xin hãy nói “sự thật trong đức ái” (Ep 4, 15).

3. Tài sản/Sức lao động

Tài sản, của cải… những gì do con người làm ra cũng làm nên phẩm giá của con người. Xin lưu ý rằng, bản chất của tài sản, của cải được làm ra bởi sức lao động con người thì không xấu, vì chúng có chức năng phục vụ con người; tức để đem lại lợi ích tích cực cho chính người ấy, cho gia đình họ và những người khác.

Mọi tài sản, của cải chỉ trở nên xấu khi bị sở hữu và tích trữ không chính đáng, trái đạo đức, đi ngược lại với mục đích phổ quát ban đầu của Thiên Chúa.

Ta có thể hiểu cách giản đơn hơn: tài sản, sức lao động của một người là những nỗ lực, cố gắng, sự tận tụy, hi sinh của người ấy. Họ phải đánh đổi rất nhiều công sức, tiền bạc và là cả mồ hôi, nước mắt,… để gầy dựng nên qua bao năm tháng; nên chúng cũng góp phần làm nên phẩm giá của họ.

Con người được mời gọi tôn trọng tài sản/sức lao động của nhau, đồng thời, mọi quốc gia, mọi tổ chức,… đều có những điều luật nhằm bảo vệ tài sản cho từng cá nhân, từng cộng đồng.

Ngoài ra, khi nói về tài sản, người Kitô hữu được mời gọi hãy biết tích trữ tài sản của mình trên Nước Trời. Biết sống mến Chúa – yêu người, biết dùng của cải tài sản trần gian mình làm ra mà sinh lợi, mà san sẻ cho anh chị em, đặc biệt là những mảnh đời khó khăn, thiếu thốn. Hãy thử nghĩ xem, nếu ta dư dả trong khi những người khác lại không có được những phương tiện để duy trì sự sống… thì liệu ta đã thực sự tốt và giàu có chưa?

Vậy, giao ước chung về sự tôn trọng lẫn nhau thông qua ba lãnh vực góp phần làm nên phẩm giá con người: THÂN XÁC – NGÔN NGỮ – TÀI SẢN là điều mà con người luôn cần phải thực hiện để có thể sống hòa hợp, xây dựng một xã hội hài hòa và công bằng hơn.

Nhưng dẫu là giao ước gì đi chăng nữa giữa con người với nhau, cũng khó có thể sánh với giao ước của Thiên Chúa với con người. Đó chính là 10 điều răn, để con người có thể sống “đối thần” được nên trọn hảo và sống “đối nhân” cách công bằng và yêu thương.

- Điều răn I, II và III: bổn phận của con người với Thiên Chúa
- Điều răn IV: bổn phận thảo hiếu đối với các bậc sinh thành
- Điều răn V và VI: thân xác
- Điều răn VII: sức lao động/tài sản
- Điều răn VIII: ngôn ngữ
- Điều răn IX: thân xác
- Điều răn X: sức lao động/tài sản

Xin được gợi mở thêm, các tu sĩ là nhóm những người được Giáo Hội ủy thác để làm chứng cho mối tương quan về giao ước này, tức là biết tôn trọng lẫn nhau hay tôn trọng phẩm giá con người. Các tu sĩ hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa, họ có sứ vụ phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người; mà cụ thể chính là qua 3 lời khấn trọn: khiết tịnh (thân xác) – vâng phục (ngôn ngữ) – khó nghèo (tài sản/sức lao động).

“Thiên Chúa không đau buồn vì những điều xúc phạm đến Ngài (ai có thể thực sự làm điều xấu cho Ngài?) cho bằng những điều xúc phạm con người làm cho mình hay cho người khác. Không phải sự kiêu hãnh của Ngài bị tổn thương cho bằng tình yêu của Ngài. Kinh Thánh viết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1, 13). Không những Ngài “không vui” mà còn đau khổ vì sinh mạng tiêu vong.

… Thiên Chúa của người Kitô hữu không thể “vô cảm”… Ngài không thể như thế vì Ngài là tình yêu. Như chúng ta biết, tình yêu là điều dễ bị tổn thương nhất. Nó bị tổn thương vì sự tự do nó dành cho người được yêu. “Người ta không thể yêu mà không đau khổ”: câu châm ngôn này có giá trị cho cả Thiên Chúa lẫn con người. Origen nói: “Chúa Cha chịu một cuộc Khổ Nạn vì yêu”.

- Raniero Cantalamessa OFM, “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh”, NXB. Tôn Giáo, 09/2020, Lm. Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ.

Maria Ngọc Tỷ (tóm lược và diễn giải).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến